Gaming Gear

Thông số cảm biến chuột: vài điều quan trọng bạn cần biết

Thông số cảm biến chuột: vài điều quan trọng bạn cần biết

Công nghệ quan trọng nhất phát triển song hành cùng chuột máy tính là cách để chuột nhận biết hướng di chuyển và truyền về con trỏ chuột. Từ các trục lăn đơn giản đến cảm biến quang học hiện đại, chuột máy tính ngày càng hoàn thiện hơn về khả năng di chuyển nhằm mang đến độ chính xác cao nhất mỗi khi bạn di chuyển con trỏ chuột trên màn hình.

Từ cảm biến (sensor) được dùng nhiều và thời kì chuột hiện đại khi chuột dùng cảm biến quang học thay cho các bi lăn truyền thống. Vậy bạn đã biết hết tất cả thông số trên cảm biến quang học và công dụng của chúng chưa? Cùng nhà Xanh tìm hiểu nhé.

Loại cảm biến

Trên thị trường hiện tại tồn tại hai dạng cảm biến quang học: cảm biến quang học và cảm biến laser.

Cảm biến quang học

Đây là loại cảm biến phổ biến nhất hiện nay với đa số sản phẩm từ chuột văn phòng đến chuột gaming đều sử dụng. Cảm biến quang học thời sơ khai sử dụng bóng LED màu để chiếu sáng lên lót chuột để cảm biến đọc tín hiệu, ngày nay đèn này được thay bằng đèn hồng ngoại giúp giảm độ nhiễu và tăng độ chính xác của ánh sáng.

Ưu điểm:

  • Độ chính xác và ổn định cao.
  • Tiết kiệm năng lượng.

Nhược điểm:

  • Không thể sử dụng trên bề mặt trong suốt, không phản xạ ánh sáng như kính trong.

Cảm biến laser

Phổ biến hơn ở chuột văn phòng và các chuột gaming thời trước, cảm biến laser hoạt động bằng chùm tia laser từ máy phát và cảm biến ghi nhận ánh sáng laser được phản xạ từ mặt phẳng lên cảm biến. Cảm biến laser có thể hoạt động trên mọi mặt phẳng, kể cả mặt kính trong suốt nên chúng được ứng dụng trong các sản phẩm chuột văn phòng rất nhiều.

Ưu điểm:

  • Có thể di chuyển trên mọi mặt phẳng, kể cả mặt kính trong suốt.

Nhược điểm:

  • Đôi khi gặp hiện tượng tự run trỏ chuột.

Loại cảm biến nào tốt hơn?

Thật sự không có loại cảm biến nào tốt hơn khi mỗi loại có ưu và nhược điểm riêng. Với nhu cầu gaming, cảm biến quang học sẽ chính xác hơn. Với nhu cầu sử dụng hàng ngày và làm việc, cảm biến laser lại đa dụng hơn do có thể sử dụng ở nhiều bề mặt khác nhau. Vậy nên tùy theo nhu cầu sử dụng để chọn loại cảm biến.

Các thông số trên cảm biến

DPI - Dots per inch

DPI thường là giá trị được dùng trong marketing các sản phẩm chuột nhiều nhất. DPI là viết tắt của từ Dots per inch nghĩa là số chấm (pixel) chuột di chuyển được khi cảm biến quét qua 1 inch. Mức DPI tối đa biểu thị cho số lượng chấm tối đa mà cảm biến nhận được khi di chuyển qua một inch. Ví dụ như màn hình bạn có 1920 pixel ngang, DPI mức 2000 thì bạn cần di chuột gần 1 inch là chuột sẽ quét hết màn hình từ trái qua phải.

Với đa số các mẫu chuột gaming hiện đại đều có mức DPI tối đa trên 10000 nên việc sử dụng rất thoải mái. Tuy nhiên DPI càng cao bạn càng khó kiểm soát chuột với các tác vụ yêu cầu sự khéo léo như kéo thả, design hay chơi các tựa game cần sự chính xác cao như game FPS. Mức DPI cao cũng đi kèm độ nhiễu cảm biến cao hơn tùy thuộc vào chất lượng của cảm biến, bộ xử lý tín hiệu và chất lượng phần cứng của chuột. 

Vậy nên thông số DPI của cảm biến mang ý nghĩa marketing và thể hiện khả năng tối đa của cảm biến là chính. Trung bình các game thủ FPS sử dụng mức DPI từ 400 - 3200 còn các game thủ MOBA có thể cao hơn một chút. Với nhu cầu văn phòng mức DPI từ 1200 - 3200 là vừa đủ với đa dạng nhu cầu sử dụng khác nhau. Do đó mức DPI tối đa cao chưa hẳn là tốt mà bạn cần chú ý đến thông số tiếp theo.

IPS - Inches per second

IPS hiểu đơn giản là vận tốc tối đa cảm biến có thể hoạt động chính xác. Ví dụ như tay bạn di chuyển ở tốc độ lên đến 400 inch mỗi giây nhưng cảm biến chỉ hỗ trợ 250 IPS thì chuột sẽ không hoạt động ổn định.

Đại lượng IPS cực kỳ quan trọng với những bạn chơi với mức DPI thấp vì ở mức DPI thấp, bạn di chuyển tay quãng đường dài với khoảng cách ngắn do đó mức IPS cao sẽ đáp ứng được những cú kéo chuột tốc độ cực nhanh. Nếu mức IPS không đủ cao để đáp ứng khả năng của tay bạn, bạn dễ dàng gặp hiện tượng nhảy cảm biến hoặc mất tracking do cảm biến không thể đáp ứng.

IPS là đại lượng không ít bạn để ý khi chọn mua chuột vì nhà sản xuất thường ít nhấn mạnh vào đại lượng này. Ngày nay khi các dòng chuột tầm trung - cao cấp đều có mức DPI khả dụng tương đối cao nên việc bạn cần quan tâm là IPS để giảm hiện tượng mất tracking khi di chuột quá nhanh. Theo nhà Xanh, mức IPS tối thiểu bạn cần là 250 IPS trở lên, nếu từ 400 IPS trở lên càng tốt. Các dòng cảm biến hỗ trợ từ các mốc IPS trên như sau:

  • Pixart 3360: 250 IPS
  • Pixart 3370: 400 IPS
  • Pixart 3395: 650 IPS

Acceleration - Gia tốc

Gia tốc chuột được tính bằng đơn vị G thể hiện gia tốc tối đa mà cảm biến có thể đọc được và hoạt động chính xác.

Gia tốc lúc này có liên quan mật thiết đến IPS vì khi di chuyển quãng đường ngắn cực nhanh, gia tốc bạn đưa vào chuột cũng rất lớn. Do đó nếu IPS lớn nhưng gia tốc chuột không đủ đáp ứng, bạn có thể gặp các tình trạng như giật cảm biến, mất tracking tương tự như các hiện tượng bạn gặp khi không đủ IPS. Do đó IPS và gia tốc luôn là hai đại lượng song song bạn cần chú ý khi sử dụng chuột chơi game với mức DPI thấp, đặc biệt trong các tựa game cần kéo chuột cực nhanh với mức DPI thấp như game FPS.

Lift Off Distance (LOD)

Dễ hiểu hơn LOD là khoảng cách khi nhấc lên cảm biến sẽ ngừng tracking.

Với mỗi nhu cầu sử dụng khác nhau bạn có thể cài đặt mức LOD vừa với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như chơi game bạn cần cảm biến được cắt chính xác và nhanh nhất khi nhấc chuột lên và nhận lại ở khoảng cách tối thiểu nhằm tránh việc cảm biến dịch chuyển không mong muốn khi chưa tiếp đất. Còn khi bạn sử dụng văn phòng, LOD có thể cài đặt mở mức thấp hoặc cao đều được sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Thông số nào quan trọng nhất?

Thật sự tất cả thông số đều bổ trợ cho nhau, không có cái nào quan trọng nhất. Mọi thông số đều bổ trợ cho nhau để mang lại hiệu năng cao nhất cho mẫu chuột gaming trang bị cảm biến chuột sở hữu những thông số đỉnh của chóp. Hoặc được tinh chỉnh sao cho ở mức tiền vừa phải, bạn nhận được một mẫu chuột phù hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của mình và không quá dư dùng.

Tóm lại: việc hiểu rõ những thông số trên chuột không bắt buộc nhưng nên biết để hiểu rõ khả năng đáp ứng của chuột với nhu cầu của mình. Chẳng hạn bạn không thể yêu cầu một con chuột cảm biến quang học lại tracking tốt trên mặt kính hoặc cảm biến laser không bị jitter ở mức DPI cao. Tất cả là sự đánh đổi làm sao bạn nhận được mẫu chuột tốt nhất với nhu cầu và hầu bao của mình.

Xem thêm các mẫu chuột gaming hiệu năng cao và văn phòng hiện có tại Phong Cách Xanh

Đọc tiếp

Chuột siêu nhẹ: chiêu trò marketing hay xu hướng của esport?
Phong Cách Xanh là nhà phân phối độc quyền sản phẩm Arbiter Studio tại Việt Nam

Viết nhận xét

Trang web này được bảo vệ bằng reCAPTCHA. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tưĐiều khoản dịch vụ của Google.