Một trong những rắc rối lớn nhất mà bạn thường gặp phải khi chụp ảnh vào golden time (thời gian từ 6 đến 8 giờ sáng, 16 đến 17 giờ chiều) hay trong các quán cà phê, quán ăn sử dụng đèn vàng luôn khiến bạn đau đầu khi cân bằng trắng lúc hậu kỳ. Khi chụp studio cũng vậy, đôi khi đèn hơi ấm hơn hoặc lạnh hơn so với thực tế nên màu sắc có thể có xu hướng ngả vàng, ngả xanh tùy thuộc vào đèn và máy ảnh của bạn. Vậy làm sao để cân bằng trắng cho những bức ảnh của bạn đây?
Chỉnh thủ công và kiểm tra bằng mắt
Cách dễ nhất, để cân bằng trắng là mở Lightroom hay Photoshop lên rồi tiến hành cân bằng trắng (White Balance) một cách thủ công. Kéo qua lại thanh nhiệt độ màu (Temp) và thanh tint để cân bằng lại màu sắc theo độ Kelvin nóng lạnh và ngả xanh/hồng. Đơn giản chỉ cần kéo qua lại hai thanh này đến khi màu sắc trên màn hình của bạn nhìn ổn, bạn có thể tự tin về hình ảnh của mình. Nhưng mắt người rất “thần kỳ”.
Nếu hôm đó mắt bạn khỏe cũng như cảm quan màu sắc của bạn tốt, bạn có thể cân chỉnh hoàn toàn thủ công và không gặp bất cứ trở ngại nào. Nhưng nếu như bạn đang mệt mỏi, thì việc cân chỉnh hoàn toàn thủ công và kiểm tra bằng mắt đôi khi là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, bản in của bạn. Nhưng dù sao đi nữa, cách này vẫn free và luôn như vậy, chỉ có điều ngoài mắt, nó còn phụ thuộc vào màn hình của bạn nữa.
Ưu điểm:
- Miễn phí và luôn như vậy.
- Nhanh chóng, đơn giản.
Nhược điểm:
- Phụ thuộc nhiều vào mắt và cảm quan màu sắc của bạn.
- Phụ thuộc vào độ chuẩn xác màu sắc trên màn hình của bạn.
Sử dụng gray card
Sử dụng công cụ tuy lạnh lùng nhưng chính xác và ít bị cảm tính, mình luôn tin như vậy. Một chiếc gray card rất dễ tìm kiếm trên thị trường và giá cũng không quá cao, dễ dàng giúp bạn cân bằng trắng hình ảnh của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Giải thích một chút: tên đầy đủ của gray card là 18% gray card. Dễ hiểu đây là một thẻ có màu xám và phản chiếu 18% toàn bộ ánh sáng chiếu vào nó dù ở bất cứ góc độ nào. Để cân bằng trắng, bạn chỉ cần chụp một ảnh gồm gray card và mẫu chụp sao cho gray card và mẫu nằm trọn trong khung hình. Sau đó bạn chỉ cần chụp những tấm hình còn lại mà thôi. Nhưng hãy lưu ý: mỗi khi thay đổi điều kiện ánh sáng, bạn nên chụp lại ảnh tham chiếu cùng gray card để làm tham chiếu chuẩn nhất.
Tiện lợi, rẻ, dễ sử dụng là ưu điểm của cách này, nhưng nhược điểm là gì? Đó là độ tin cậy của gray card. Chưa chắc 100% gray card bạn có thể tìm thấy trên thị trường là loại xám phản sáng đúng 18% như bạn mong muốn và đôi khi quá tin tưởng mà bạn không để ý gray card của mình không chính xác. Nếu bạn có một chiếc gray card tốt, đúng chính xác thông số kỹ thuật thì xin chúc mừng, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng và khả năng làm việc của những chiếc gray card này.
Ưu điểm:
- Chi phí đầu tư ban đầu chấp nhận được.
- Dễ sử dụng.
- Có thể sử dụng với nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh khác nhau.
Nhược điểm:
- Cần kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng của gray card trước khi quyết định mua.
Sử dụng SpyderCUBE
Quả cầu lập phương nhỏ gọn SpyderCUBE cũng giống như gray card bởi nó cũng có một mặt màu xám 18% phản sáng. Nhưng hơn gray card, SpyderCUBE có tới hai mặt xám giúp bạn có thể tùy chọn được mặt nào để sử dụng. Ví dụ như bạn chỉ cần cân bằng trắng những chi tiết còn lại và giữ lại màu nắng, bạn chọn mặt SpyderCUBE hướng về nguồn sáng thì cân bằng trắng sẽ nương theo màu sắc từ nguồn sáng. Nếu bạn cần một tấm hình chuẩn trắng, bạn chọn cân bằng trắng bằng mặt xám 18% bên còn lại, lúc đó hình ảnh của bạn trở về màu trắng đúng nhất.
Và cũng giống như một số gray card cao cấp, SpyderCUBE còn cung cấp thêm hai mặt màu trắng giúp xác định phần white, mặt đen bên dưới xác định shadow. Ngoài ra SpyderCUBE còn có một số thứ nâng cao hơn như lỗ đen giúp xác định độ đen tuyệt đối và quả cầu chrome giúp xác định highlight cũng như hướng của các nguồn sáng để xử lý cho chính xác. SpyderCUBE cũng tích hợp sẵn một sợi dây đeo và chân ốc 1/4" giúp bạn sử dụng dễ dàng hơn như treo lên cây hay gắn vào tripod, thậm chí bạn có thể gắn vào SpyderCHECKR để vừa cân chỉnh ánh sáng, cân bằng trắng và xử lý sai lệch màu sắc nhanh chóng, hiệu quả.
Về chất lượng thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì Datacolor là một hãng nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý màu sắc nên chất liệu của sản phẩm rất tốt. Bề mặt được xử lý hoàn toàn đúng thông số kỹ thuật giúp bạn tự tin hơn trong mỗi shot hình của bạn.
Ưu điểm:
- Dễ sử dụng.
- Dễ bảo quản.
- Đa năng, tích hợp nhiều công cụ trong một.
- Có hai mặt cho bạn nhiều lựa chọn hơn trong việc điều chỉnh ánh sáng, cân bằng trắng.
- Có thể sử dụng với nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh khác nhau.
Nhược điểm:
- Giá cao hơn so với giải pháp gray card truyền thống.
Sử dụng SpyderCHECKR
Với SpyderCHECKR, đây là giải pháp cao hơn nữa dành cho những bạn chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng phức tạp hoặc studio bởi ngoài cân bằng trắng (white balance), bạn còn có thể cân bằng màu sắc (color balance) chỉ bằng một sản phẩm nên khá tiện lợi. SpyderCHECKR có hai bản là SpyderCHECKR 24 có giá thành vừa phải, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau và SpyderCHECKR có 48 ô màu được đặt trong một chiếc bảng gập giúp bảo vệ tốt hơn khi cần phải mang đi lại. Ngoài công dụng chính là cân bằng màu sắc của máy ảnh và máy quay, SpyderCHECKR còn có một thang đo sáng ở mặt sau cùng một gray card giúp bạn cân bằng trắng hình ảnh nhanh chóng.
Hai trong một, cực kỳ đa năng là thứ mà mình thích khi sử dụng SpyderCHECKR. Vừa có thể cân bằng màu sắc và vừa cân bằng trắng chỉ bằng một sản phẩm. Đặc biệt khi sử dụng SpyderCHECKR bảng 48 ô màu, bạn còn có thể gắn SpyderCUBE vào giúp cân bằng trắng tốt hơn nữa khi quản lý được hướng sáng, độ đen tuyệt đối cũng như cân bằng trắng dựa theo vị trí của nguồn sáng.
Ưu điểm là vậy nhưng nhược điểm của SpyderCHECKR chính là ưu điểm của SpyderCUBE: bạn không thể lựa chọn cân bằng trắng tùy thuộc vào vị trí nguồn sáng cũng như không có nhiều công cụ để giúp bạn quản lý ánh sáng như SpyderCUBE. Tuy nhiên mình vẫn đánh giá SpyderCHECKR là sản phẩm nên có, đặc biệt là bản SpyderCHECKR 48 ô màu khi có thể sử dụng cùng SpyderCUBE để cho ra kết quả mỹ mãn nhất.
Ưu điểm:
- Đa năng, có thể sử dụng vào nhiều mục đích.
- Mặt sau có tích hợp gray card và thang đo sáng giúp quản lý đồng thời cân bằng trắng và ánh sáng.
- Có chân gắn SpyderCUBE với phiên bản SpyderCHECKR 48 ô màu.
Nhược điểm:
- Giá cao đối với bản SpyderCHECKR 48 ô màu.
Lời kết
Với cá nhân mình, sau khi đã thử qua tất cả thì mình vẫn thích sử dụng SpyderCHECKR kết hợp cùng SpyderCUBE khi chụp hình studio và ngoài trời. Còn khi mình đi chơi và phải mang theo nhiều đồ đạc, chỉ cần mang theo SpyderCUBE là đủ giúp mình xử lý cân bằng trắng trong khâu hậu kỳ khi gặp những bối cảnh trời ơi như bình minh hay hoàng hôn. Dù sao sử dụng những thiết bị tốt luôn giúp mình cảm thấy an tâm hơn khi đi nhiếp ảnh bởi khoảnh khắc là thứ chỉ bắt được một lần trong đời, không nên lãng phí, và do đó, mình không còn tin vào cảm quan chỉnh tay nữa bởi nó không có một cột mốc xác định nào để biết thế nào là chuẩn.
Tham khảo các thiết bị cân màu màn hình hiện có trên Phong Cách Xanh
Viết nhận xét
Trang web này được bảo vệ bằng hCaptcha. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tư và Điều khoản dịch vụ của hCaptcha.