Gaming Gear

Chuột siêu nhẹ: chiêu trò marketing hay xu hướng của esport?

Chuột siêu nhẹ: chiêu trò marketing hay xu hướng của esport?

Từ năm 2018, không biết từ đâu hãng Finalmouse ra mắt sản phẩm chuột gaming Ultralight Pro. Nếu đây là một mẫu chuột bình thường như từ trước 2018 Finalmouse làm thì chẳng có gì đặc biệt cả nhưng rõ ràng chữ “Ultralight” không phải để cho có. Finalmouse Ultralight Pro là mẫu chuột gaming đầu tiên của hãng đạt trọng lượng 67 gram - trọng lượng chuột không tưởng so với các chuột gaming thời điểm đó thường từ 8x gram trở lên và thiết lập cuộc đua trọng lượng chuột kéo dài đến những năm gần đây.

Tiếp theo đó là sự “copy” của Glorious với dòng chuột Glorious Model O - Màu sắc hơn, với trọng lượng 69 gram nhẹ hơn (và rẻ hơn) so với Finalmouse Ultralight Pro. Ra mắt năm 2019, Glorious Model O giúp cụm từ “chuột siêu nhẹ” trở nên phổ biến và thịnh hành hơn khi rất nhiều game thủ trải nghiệm và tận dụng những lợi thế mà chuột nhẹ hơn mang lại.

Kể từ đó, chúng ta có hàng loạt chuột siêu nhẹ vô cùng nổi tiếng trên thế giới như Finalmouse Starlight-12 (từ 42 gram), Lamzu Atlantis (55 gram), Pulsar Xlite V2 (59 gram), Ninjutso Sora (45 gram),... Và một loạt hãng lớn vốn bảo thủ cũng chạy theo trào lưu siêu nhẹ như Razer (Viper - 69 gram), Logitech (G Pro X Superlight - 63 gram),... để trang bị những mẫu chuột tốt nhất cho các đội tuyển esport mà mình tài trợ.

Nhưng, không phải tất cả tuyển thủ chuyên nghiệp chuyển sang sử dụng chuột siêu nhẹ. Rất nhiều game thủ vẫn trung thành với các mẫu chuột Zowie dao động từ 70 - 77 gram hoặc các dòng chuột nổi tiếng từ xưa như Logitech G502, Razer DeathAdder,... để chơi game bình thường. Vậy:

Trọng lượng chuột siêu nhẹ có phải để marketing?

Ban đầu Finalmouse Ultralight Pro được tạo nên với trọng lượng nhẹ với mục đích ban đầu là tạo điểm nhấn cho sản phẩm, nên gọi đây là điểm marketing cũng không sai. Nhưng xu hướng kéo dài từ năm 2018 đến nay rõ ràng phải có lợi ích gì đó mà các nhà sản xuất liên tục cho ra những mẫu chuột siêu nhẹ - khác hẳn với các trend trước đây như cuộn chuột vô cực, cuộn 4 chiều, lắp tạ, nhiều nút,...

Giảm áp lực lên cổ tay

Từng có thời gian mình chơi game nhiều và sử dụng những mẫu chuột “siêu nặng” trên 100 gram, cổ tay mình đôi khi gặp tình trạng quá tải và sưng/viêm là chuyện xảy ra càng lúc càng nhiều sau này, đặc biệt với những bạn có thói quen dùng cổ tay để di chuột thay vì cả cánh tay.

Vì chuột nặng, bạn cần dùng nhiều lực từ cổ tay hơn để chuột bắt đầu di chuyển nên tăng lực tải lên cổ tay và các dây chằng ở khu vực đó. Ban đầu bạn sẽ không cảm nhận được căng cơ nhưng càng lâu, bạn càng cảm thấy mệt mỏi khi di chuyển chuột nếu cổ tay không đủ khỏe.

Với chuột càng nhẹ, bạn càng cần ít lực để di chuyển chuột. Vì thế lực từ cổ tay của bạn sẽ không cần phát lực nhiều để di chuyển và sử dụng chuột nhẹ nhàng hơn. Với những bạn sử dụng cánh tay di chuột, ban đầu sẽ hơi khó kiểm soát khi chuyển qua chuột nhẹ nhưng sau thời gian làm quen, bạn sẽ cảm thấy thao tác di chuyển trở nên nhẹ và thanh thoát hơn. Tuy nhiên bạn cần vượt qua được thời gian làm quen ban đầu để quen với trọng lượng chuột.

Dừng chuột dễ hơn

Với các game thủ thao tác dừng chuột chính xác còn quan trọng hơn cảm giác di chuột, vậy trọng lượng chuột nhẹ có ảnh hưởng đến độ chính xác khi dừng chuột? Câu trả lời là có.

Khi đang kéo chuột, trọng lượng càng nặng khiến đà di chuyển của chuột càng nhiều làm bạn khó dừng chuột lại hơn. Đà di chuyển của chuột tỉ lệ thuận với cân nặng và lực tác dụng lên chuột, do đó chỉ cần giảm 1 trong 2 đại lượng trên chuột sẽ dễ dàng dừng lại hơn.

Giảm lực tác dụng lên chuột nghe có vẻ dễ làm nhất nhưng nó ảnh hưởng đến tốc độ bộc phát để di chuyển từ điểm A đến điểm B nhanh nhất. Ngoài ra lực tác dụng lên chuột còn có ma sát động và ma sát tĩnh của lót chuột nhưng trong phạm vi bài viết, mình chỉ đề cập đến chuột.

Giảm trọng lượng chuột là cách tốt hơn và nó mang lại cả đôi lợi ích. Đầu tiên với cùng một lực tác động, bạn có tốc độ bộc phát nhanh hơn để kéo chuột từ A đến B nhanh hơn. Khi dừng chuột, nhờ đà di chuyển thấp hơn nên dừng chuột cần ít sức mạnh từ cánh tay và cổ tay, do đó bạn có thể khéo léo dừng chuột lại chính xác điểm mà bạn mong muốn với tư thế lỏng hơn và sẵn sàng cho những tình huống di chuyển tiếp theo với độ trễ thấp hơn. Nhược điểm của giảm trọng lượng chuột có lẽ là bạn cần thời gian làm quen và để cơ bắp dần dần thích nghi với cân nặng chuột mới.

Nhưng vẫn có nhiều người dùng chuột nặng mà vẫn thấy thoải mái?

Với những lợi ích rõ ràng như vậy tại sao nhiều game thủ vẫn quyết định chọn các mẫu chuột nặng hoặc siêu nặng mà mình cảm thấy quen tay? Chắc chắn là có lý do mà các game thủ này vẫn tin tưởng tiếp tục sử dụng các mẫu chuột trọng lượng từ 80 gram trở lên và các nhà sản xuất vẫn duy trì các dòng chuột này.

Duy trì sự thoải mái

Nghe có vẻ lạ vì mình đã đề cập ở trên rằng chuột càng nhẹ càng thoải mái khi di chuyển nhưng hình như bạn quên một điều là sự quen tay. Với một số game thủ bàn tay lớn, cơ tay khỏe hoặc thích sự thoải mái của những mẫu chuột hiện tại mà họ dùng, việc sử dụng chuột quen tay sẽ quan trọng hơn để duy trì cảm giác tay hay còn gọi là trí nhớ cơ bắp (muscle memory) - thứ cực kỳ quan trọng trong bất kỳ môn thể thao nào yêu cầu sự chính xác và khéo léo.

Nếu bạn chưa sẵn sàng thay đổi và luyện tập để thích nghi với mẫu chuột mới, việc sử dụng mẫu chuột hiện tại vẫn là giải pháp tối ưu về cảm giác lẫn tài chính nhưng khi có cơ hội hãy thử qua chuột nhẹ hơn nhé. Những lợi ích chuột nhẹ hơn như mình đề cập ở trên sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi cổ tay bạn dần yếu đi do các yếu tố khách quan như cách luyện tập, cường độ tập luyện và tuổi tác.

Chưa có lựa chọn thay thế

Đa phần các nhà sản xuất chọn thiết kế chuột siêu nhẹ bằng các dáng chuột nhỏ, ít nâng đỡ toàn bộ bàn tay hướng đến kiểu cầm fingertip hoặc claw vốn là thế mạnh của dòng chuột này. Với những mẫu chuột trọng lượng lớn đa phần được thiết kế với kiểu dáng đề cao công thái học, thoải mái khi cầm nắm nên thường có kích thước lớn, ôm tay và phù hợp với kiểu cầm palm.

Do đó để giữ nguyên dáng chuột cùng kích thước lớn, các hãng sản xuất cần tối ưu rất nhiều để giảm trọng lượng và đi kèm rủi ro làm yếu kết cấu khiến chuột mong manh, giảm sự cứng cáp và tự tin trong tay như nguyên bản. Do đó các hãng sản xuất sẽ không mạo hiểm thay đổi để ảnh hưởng chất lượng hiện tại của dòng sản phẩm đang được lòng game thủ hiện tại.

Tuy lý do này hơi vô lý nhưng đây cũng là một lý do để các bạn game thủ chưa quyết định chuyển sang chuột siêu nhẹ.

Vậy chuột siêu nhẹ có phải chiêu trò Marketing?

Theo ý kiến trên, một phần chuột siêu nhẹ là key marketing xuất phát từ hãng Finalmouse nhưng vô trình nó trở thành trend khi các game thủ nhận được lợi ích từ trend này. Khác với trend siêu nhiều nút cho các game MMO, đèn LED RGB xập xình hay siêu nhiều tạ để custom cân nặng thì chuột siêu nhẹ là trào lưu có tác động tích cực rõ rệt nhất - Nhờ đó chuột siêu nhẹ đã tồn tại từ 2018 đến 2024 là 6 năm rồi mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như các trào lưu mình kể trên.

Ngoài cải thiện đến hiệu quả chơi game về lâu dài, chuột siêu nhẹ còn giúp các khớp tay được thả lỏng và khai thác được nhiều công dụng từ các kiểu cầm chuột khác nhau như fingertip, claw mà không lo chỉ gói gọn trong kiểu cầm palm và relaxed claw như các mẫu chuột nặng truyền thống.

Các hãng chuột siêu nhẹ nổi bật nhất tại Phong Cách Xanh

Finalmouse

Là thương hiệu khai sinh khái niệm chuột siêu nhẹ, Finalmouse luôn là nhà sản xuất sử dụng những chất liệu lạ nhất để trọng lượng của chuột nhẹ nhất có thể như magnesium (Starlight-12) và mới nhất là chất liệu carbon composite (Ultralight X).

Lamzu

Là nhà sản xuất mới nổi từ hè năm 2022 nhưng nhanh chóng lọt vào tất cả bảng xếp hạng chuột gaming tốt nhất năm của rất nhiều reviewer chuột gaming trên khắp thế giới. Lamzu tạo điểm nhấn cho riêng mình với phần cứng cực tốt, trọng lượng siêu nhẹ, tạo hình mặt đáy không giống ai và trải nghiệm mở hộp đã nhất trong thế giới gaming gear.

Fnatic

Xuất thân từ đội tuyển esport hàng đầu thế giới, Fnatic hiểu rõ những vận động viên thể thao điện tử hàng đầu cần gì. Các sản phẩm chuột từ Fnatic luôn hướng đến hiệu năng, độ bền và chất lượng cao nhất đáp ứng những nhu cầu khắc khe nhất mà các game thủ esport chuyên nghiệp hàng đầu cần nhất.

Pwnage

Không quá nổi bật trên thị trường quốc tế nhưng tại Bắc Mỹ, Pwnage nổi tiếng với các sản phẩm giá thành vừa phải với khả năng cá nhân hóa đa dạng. Bạn có thể thay đổi bất cứ bộ phận nào của vỏ chuột từ màu mặc định thành màu sắc bạn yêu thích. Gần đây Pwnage còn tích hợp thêm công nghệ di chuyển cảm biến trên thân chuột để custom đường tracking của cảm biến chuột.

Cherry Xtrfy

Tiền thân là Xtrfy - Nhà sản xuất gaming gear đến từ Thụy Điển với các ý tưởng cực kỳ điên rồ và có vẻ bất khả thi. Các sản phẩm của hãng đều cực kỳ độc, lạ, không dành cho số đông nhưng việc sở hữu một mẫu chuột siêu nhẹ Cherry Xtrfy chứng tỏ bạn là một dân chơi hiểu biết ít nhiều về thế giới chuột gaming.

Ninjutso

Là nhà sản xuất kín tiếng nhất trên thị trường với sản phẩm rất ít nhưng đều tuân theo các tiêu chí: chất lượng - nhẹ - không lỗ. Ninjutso chán với truyền thống đục lỗ trên vỏ chuột để giảm trọng lượng, tất cả chuột Ninjutso luôn đảm bảo tiêu chí không lỗ, nhẹ, chất lượng tốt nhất trong mức giá cạnh tranh.

Pulsar

Thương hiệu gaming gear đến từ Hàn Quốc này có các tiếp cận sản phẩm đặc biệt hơn các hãng khác. Thay vì các lỗ hình lục giác hoặc tròn như các hãng chuột siêu nhẹ, Pulsar chọn họa tiết hình chữ nhật bo tròn góc để giảm trọng lượng, tăng độ cứng cáp và thẩm mỹ. Gần đây Pulsar hướng đến thiết kế bỏ lỗ nhưng vẫn giữ lại phần đế tạo hình chữ X đặc trưng như một điểm nhấn trên tất cả sản phẩm của mình.

Đọc tiếp

Bàn phím từ có Rapid Trigger giúp bạn chơi game hay hơn?
Thông số cảm biến chuột: vài điều quan trọng bạn cần biết

Viết nhận xét

Trang web này được bảo vệ bằng reCAPTCHA. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tưĐiều khoản dịch vụ của Google.